Đây là những xét nghiệm y tế phổ biến, không mất nhiều thời gian để thực hiện nhưng lại có tác dụng vô cùng to lớn: giúp phát hiện sớm các biểu hiện bất thường, chẩn đoán chính xác đề điều trị kịp thời bệnh tim mạch. Nên nhớ căn bệnh này nằm trong nhóm những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới nhưng không có nghĩa là “trời kêu ai nấy dạ”, hãy bảo vệ bản thân và chính mình ngay từ bây giờ!
Xét nghiệm cholesterol
Qua xét nghiệm cholesterol bạn có thể biết mình đang bị rối loạn mỡ máu hay không nhằm giảm thiểu nguy cơ phát triển các bệnh lý tim mạch. ( Ảnh minh họa)
Xét nghiệm cholesterol là một xét nghiệm rất phổ biến mà chúng ta vẫn thường hay nhắc đến dưới cái tên xét nghiệm mỡ trong máu. Xét nghiệm này sẽ cho biết bạn có bị rối loạn mỡ máu hay không để điều trị kịp thời hoặc điều chỉnh lối sống giúp kiểm soát tình trạng này. Rối loạn mỡ máu là nguy cơ chính dẫn đến cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch…
Có 4 chỉ số quan trọng trong xét nghiệm này mà bạn cần quan tâm là:
- Cholesterol toàn phần: tổng lượng cholesterol trong máu của bạn.
- Cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL): đây được gọi là cholesterol “xấu” vì nếu dư thừa sẽ gây hại cho cơ thể. Chúng vận chuyển cholesterol vào trong máu, lắng đọng vào thành mạch máu và là yếu tố chủ chốt hình thành mảng xơ vữa động mạch.
- Cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL): còn được gọi là cholesterol “tốt”, có lợi cho cơ thể vì chúng hỗ trợ chống lại quá trình xơ vữa động mạch bằng cách mang cholesterol dư thừa ứ đọng từ thành mạch máu về gan.
- Triglyceride: là một dạng chất béo chiếm 95% chất béo hàng ngày mà mỗi chúng ta tiêu thụ trong chế độ ăn uống. Sau khi tiêu hóa triglyceride được sử dụng dưới dạng năng lượng tế bào khi di chuyển trong mạch máu. Những người thường xuyên cung cấp vào cơ thể lượng calo nhiều hơn khả năng tiêu thụ có thể có chỉ số triglyceride cao. Triglyceride tích tụ trong máu là nguyên nhân dẫn tới bệnh tim mạch, tiểu đường...và nhiều bệnh khác.
Để thực hiện xét nghiệm cholesterol, bạn thường được yêu cầu nhịn ăn từ 9 – 12 tiếng trước đó. Tùy vào kết quả, bác sĩ sẽ cho bạn biết khi nào cần làm lại xét nghiệm để theo dõi nhưng tốt nhất là nên kiểm tra hàng năm.
Điện tâm đồ
Bạn không cần phải chuẩn bị gì khi thực hiện xét nghiệm điện tâm đồ.
Xét nghiệm điện tâm đồ giúp đo lại hoạt động điện của tim. Xét nghiệm này được thực hiện bằng máy điện tâm đồ gồm các điện cực được lắp vào cổ tay, cổ chân và ngực (vùng tim) của bệnh nhân.
Xét nghiệm điện tâm đồ rất đơn giản, nhanh chóng, không đau và chi phí rẻ. Các bác sĩ có thể chỉ định bạn làm điện tâm đồ để:
- Đánh giá nhịp tim.
- Chẩn đoán bệnh động mạch vành (tình trạng gây ra do động mạch vành bị hẹp làm hạn chế cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng cho tim).
- Chẩn đoán nhồi máu cơ tim.
- Đánh giá một số bất thường của tim, chẳng hạn như tim to.
Trước khi thực hiện xét nghiệm điện tâm đồ, bạn không cần phải chuẩn bị gì cả. Tuy nhiên nên tránh bôi các loại kem dưỡng, dầu nhờn… vì có thể chúng có thể khiến da bị nhờn, gây khó khăn khi lắp điện cực. Ngoài ra cũng nên mặc áo rộng rãi, có thể dễ dàng cởi bỏ để đặt các điện cực lên.
Siêu âm tim
Siêu âm tim cho phép bác sĩ tiếp cận những thông tin quan trọng về cấu trúc và hoạt động của một cách an toàn và không hề đau đớn. (ảnh minh hoạ)
Siêu âm tim được sử dụng rất rộng rãi để kiểm tra các bất thường của tim bao gồm cả nhịp đập và kích cỡ to bất thường, những cơn đau ngực không rõ nguyên nhân, tình trạng thở gấp hoặc nhịp tim không đều.
Việc sử dụng phương pháp siêu âm tim đặc biệt quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim. Vì siêu âm tim rất an toàn, cho phép bác sĩ tiếp cận những thông tin quan trọng về cấu trúc và hoạt động của tim mà không gây ra bất kì đau đớn hay nguy hiểm nào cho bệnh nhân. Những thông tin thu được từ siêu âm tim giúp các bác sĩ đưa ra những chẩn đoán chính xác và tư vấn cách điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Để thực hiện siêu âm tim, người bệnh không cần phải chuẩn bị gì nếu không có chỉ định đặc biệt từ bác sĩ. Thời gian siêu âm tim tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh, có thể kéo dài từ 30 – 45 phút.
Xét nghiệm C – Reactive Protein (CRP)
Xét nghiệm C-Reactive Protein, gọi tắt là CRP, là xét nghiệm máu lấy từ tĩnh mạch tay để biết mức độ viêm.( Ảnh minh họa)
CRP là một glycoprotein được gan sản xuất có đặc điểm là kết hợp với polysaccharide C của phế cầu, bình thường không thấy protein này trong máu. Tình trạng viêm cấp với phá hủy mô trong cơ thể sẽ kích thích sản xuất protein này và gây tăng nhanh nồng độ của nó trong huyết thanh. Vì thế CRP được biết đến như là chất chỉ điểm hiện tượng viêm. Hiện tượng viêm đóng vai trò trung tâm trong chứng xơ vữa mạch máu. Nồng độ CRP cao trong máu làm tăng nguy cơ về bệnh tim mạch. Nghiên cứu cho thấy ở những phụ nữ có nồng độ CRP cao trong máu, nguy cơ bị bệnh tim mạch tăng gấp 7 lần so với người có nồng độ CRP thấp.
Để thực hiện xét nghiệm C – Reactive Protein, bạn sẽ được lấy máu từ tĩnh mạch ở tay. Xét nghiệm này khá đơn giản, nhanh chóng, ít đau và bạn không cần phải nhịn ăn.
Chụp cắt lớp (CT) tim
Cần tuân thủ chặt chẽ mọi hướng dẫn của bác sĩ trước khi tiến hành chụp CT tim.(ảnh minh hoạ)
Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh có sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết của tim và mạch máu.
Bác sĩ có thể chỉ định chụp CT tim để kiểm tra hoặc chẩn đoán các trường hợp sau:
- Các dị tật bẩm sinh trong tim.
- Tình trạng tích tụ của các mảng bám (được hình thành từ chất béo và các chất khác như canxi) ở động mạch vành. Các mảng bám này làm hẹp động mạch hoặc thậm chí gây tắc nghẽn dòng máu về tim, tạo ra các cơn đau thắt ngực hoặc đau tim.
- Những khiếm khuyết hoặc tổn thương ở các van tim.
- Khối u trong hoặc trên tim.
- Các cục máu đông trong buồng tim.
Chụp CT tim hầu như không đau đớn và cho phép bác sĩ có thể dễ dàng quan sát khám phá cấu trúc của tim và các mạch máu lân cận mà không cần thực hiện các thủ thuật xâm lấn (có vết rạch).
Trước khi thực hiện chụp CT, bạn nên mặc quần áo dễ thay vì cần phải mặc áo của bệnh viện khi chụp. Nếu có các vật dụng như đồng hồ, trang sức, gọng kính, răng giả hoặc kẹp tóc… thì nên để ở nhà hoặc gỡ ra trước khi chụp vì chúng có thể ảnh hưởng đến kết quả chụp CT. Ngoài ra cũng không nên sử dụng các loại đồ uống có chứa caffeine như trà, cà phê…vào ngày chụp vì chúng có thể tác động đến nhịp tim.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét